Tìm hiểu về Công ước SOLAS
Công ước SOLAS là gì và tại sao nó lại đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn hàng hải? Được coi là “luật chơi” không thể thiếu trên biển, Công ước Quốc tế về An toàn Sinh mạng trên Biển (SOLAS) đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn cho tàu thuyền và thuyền viên. Hãy cùng khám phá chi tiết về SOLAS và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nó trong bài viết này nhé!
Công ước SOLAS là gì?
SOLAS là viết tắt của “Safety Of Life At Sea” (An toàn Sinh mạng trên Biển). Đây là một hiệp ước hàng hải quốc tế, còn được gọi là Công ước SOLAS hoặc Công ước Quốc tế về An toàn Sinh mạng trên Biển. Nó thiết lập các biện pháp an toàn tối thiểu trong việc xây dựng, trang bị và vận hành tàu buôn.
IMO SOLAS 74 là bản công ước sửa đổi cuối cùng được thông qua vào năm 1974, bao gồm nhiều quy định thể hiện dưới các chương khác nhau, liên quan đến các biện pháp và quy trình an toàn từ khâu xây dựng tàu đến các tình huống khẩn cấp như “Rời tàu” (Abandon Ship). Công ước được cập nhật định kỳ để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trong ngành vận tải biển hiện đại.
Công ước Quốc tế về An toàn Sinh mạng trên Biển (SOLAS) quy định các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu phải tuân thủ trong quá trình xây dựng và vận hành tàu buôn. Theo Công ước của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các quốc gia ký kết phải đảm bảo rằng tàu của họ tuân thủ theo các tiêu chuẩn này. Đến nay, Công ước SOLAS thường được coi là hiệp ước quốc tế quan trọng nhất liên quan đến an toàn của tàu buôn và thuyền viên.
Sau thiệt hại to lớn trong thảm họa tàu Titanic, cộng đồng quốc tế muốn thiết lập các quy tắc và quy định để ngăn chặn các tai nạn hàng hải tương tự xảy ra. Vì vậy, hội nghị đầu tiên về An toàn Sinh mạng trên Biển đã diễn ra tại London vào tháng 1 năm 1914.
Công ước SOLAS đầu tiên được thông qua vào ngày 20 tháng 1 năm 1914 và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 năm 1915, nhưng bị hoãn lại do chiến tranh ở châu Âu. Công ước SOLAS thứ hai được thông qua vào năm 1929, có hiệu lực vào năm 1933; bản Công ước thứ ba được thông qua vào năm 1948, có hiệu lực vào năm 1965; và phiên bản hiện tại được thông qua vào năm 1974 và có hiệu lực vào năm 1980.
Phiên bản năm 1960 là nhiệm vụ chính đầu tiên của IMO kể từ khi thành lập, vì đó là một bước quan trọng trong việc hiện đại hóa hoặc nâng cấp các quy định theo sự phát triển kỹ thuật trong ngành hàng hải.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu thực hiện đã có nhiều thách thức được đặt ra, chẳng hạn như để duy trì và thực hiện công ước được cập nhật thông qua các sửa đổi định kỳ mất khá nhiều thời gian. Do đó, một công ước mới đã được thông qua vào năm 1974, bao gồm tất cả các sửa đổi đã được chấp thuân tại thời điểm đó cùng với một quy trình sửa đổi bổ sung để đảm bảo rằng các thay đổi có thể triển khai hoặc có hiệu lực nhanh chóng.
Phiên bản được sử dụng cho đến ngày nay ra đời vào năm 1974, gọi là SOLAS 1974 và chính thức có hiệu lực vào ngày 25 tháng 5 năm 1980. Nó đã được sửa đổi nhiều lần và đến tháng 4 năm 2022 đã có 167 quốc gia trên thế giới tham gia ký kết.
Tầm quan trọng của Công ước SOLAS
SOLAS nằm trong số ba “công cụ” quốc tế quan trọng nhất điều chỉnh an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm biển. Hai “công cụ” còn lại là MARPOL và Công ước STCW (Công ước Quốc tế về Tiêu chuẩn Đào tạo, Cấp chứng chỉ và Trực ca).
Công ước SOLAS ra đời là kim chi nam cho các hoạt động đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trên thế giới bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn tối thiểu về kết cấu, trang bị và khai thác tàu. Ngay từ giai đoạn đầu áp dụng và thực hiện, Công ước đã thể hiện rõ vai trò và hiệu quả của nó. Nhằm ứng đối kịp thời với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ cũng như khắc phục những vấn đề thực tiễn phát sinh trong hoạt động hàng hải, Công ước đã liên tục được bổ sung và sửa đổi.
Với tầm quan trọng và vai trò của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển, các quốc gia, chủ tàu và người đi biển đã và đang nỗ lực phối hợp hành động để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động trên biển. Điều này đã đóng góp quan trọng vào việc giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản, cũng như bảo vệ môi trường biển.
Phạm vi áp dụng
Công ước áp dụng cho các tàu hàng có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên và tàu chở khách tuyến quốc tế. Chương IV của Công ước SOLAS mở rộng phạm vi áp dụng đến các tàu hàng có trọng tải toàn phần từ 300 tấn trở lên. Chương V áp dụng cho tất cả các tàu, trừ tàu chiến, tàu phụ trợ hải quân, và các tàu khác thuộc sở hữu và điều hành bởi một chính phủ thuộc Công ước và hoạt động trong các dịch vụ phi thương mại của chính phủ.
Bộ quy tắc thuộc công ước SOLAS
Các bộ quy tắc quốc tế dưới Công ước SOLAS được thiết lập nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho tàu thuyền và thuyền viên hoạt động trên biển. Những quy tắc này quy định các tiêu chuẩn cụ thể về xây dựng, trang bị, vận hành và các biện pháp an ninh cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn tối đa. Các bộ quy tắc này được cập nhật định kỳ để đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn mới nhất trong ngành hàng hải và phản ánh các tiến bộ kỹ thuật và thay đổi trong hoạt động vận tải biển.
- Bộ quy tắc quốc tế về Hệ thống An toàn Chống cháy (FSS Code): Quy định các yêu cầu về hệ thống phòng cháy chữa cháy trên tàu.
- Bộ quy tắc quốc tế về Áp dụng Quy trình Thử lửa (FTP Code): Đặt ra các quy trình thử nghiệm tiêu chuẩn đối với vật liệu và cấu trúc chống cháy trên tàu.
- Bộ quy tắc quốc tế về Vận chuyển Xô hàng rời rắn (IMSBC Code): Quy định các yêu cầu an toàn đối với việc vận chuyển hàng rời khô trên biển.
- Bộ quy tắc quốc tế về Thiết bị Cứu sinh (LSA Code): Đưa ra các tiêu chuẩn về thiết bị cứu sinh trên tàu.
- Bộ quy tắc quốc tế về Ổn định Nguyên vẹn (IS Code 2008): Quy định các yêu cầu về tính ổn định của tàu trong các điều kiện hoạt động bình thường.
- Bộ quy tắc quốc tế về An ninh Tàu và Bến Cảng (ISPS Code): Đặt ra các biện pháp an ninh để bảo vệ tàu và cơ sở cảng khỏi các mối đe dọa.
- Bộ quy tắc quốc tế về Xây dựng và Trang bị Tàu chở Hóa chất Nguy hiểm (IBC Code): Quy định các yêu cầu về kết cấu và trang thiết bị cho tàu chở xô hóa chất nguy hiểm dạng lỏng.
- Bộ quy tắc về Vận chuyển An toàn Nhiên liệu bức xạ hạt nhân, Plutonium và Chất Thải có mức độ phóng xạ cao (INF Code): Đặt ra các tiêu chuẩn an toàn cho việc vận chuyển các chất phóng xạ trên biển.
- Bộ quy tắc quốc tế về Xây dựng và Trang bị Tàu chở Khí hóa lỏng (IGC Code): Quy định các yêu cầu về kết cấu và trang bị cho tàu chở khí hóa lỏng.
- Bộ quy tắc quốc tế về Vận chuyển Hàng Nguy hiểm (IMDG Code): Đưa ra các yêu cầu an toàn cho việc vận chuyển hàng nguy hiểm trên biển.
- Bộ quy tắc quốc tế về An toàn Tàu Cao tốc (HSC Code 1994): Quy định các yêu cầu an toàn đối với tàu cao tốc theo phiên bản 1994.
- Bộ quy tắc quốc tế về An toàn Tàu Cao tốc (HSC Code 2000): Quy định các yêu cầu an toàn đối với tàu cao tốc theo phiên bản 2000.
- Bộ quy tắc Điều tra Tai nạn Hàng hải: Đưa ra các quy trình và tiêu chuẩn điều tra tai nạn hàng hải.
Nội dung sơ lược về các chương của Công ước SOLAS
Công ước Quốc tế về An toàn Sinh mạng trên Biển (SOLAS) 1974, yêu cầu tất cả các tàu buôn của bất kỳ quốc gia nào phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu được nêu trong các chương sau:
Chương I – Quy định chung: Bao gồm khảo sát và chứng nhận tất cả các thiết bị an toàn, v.v.
Chương II-1 – Kết cấu – Phân khoang và ổn định, máy móc và lắp đặt điện: Đề cập đến độ kín nước của tàu, đặc biệt là đối với tàu chở khách.
Chương II-2 – Kết cấu – Phòng cháy, phát hiện và dập tắt cháy: Chương này mô tả các phương tiện và biện pháp phòng chống cháy trong khu vực sinh hoạt, khoang hàng và phòng máy cho tàu chở khách, tàu hàng và tàu chở dầu.
Chương III – Thiết bị cứu sinh và bố trí: Chương này mô tả tất cả các thiết bị cứu sinh và cách sử dụng chúng trong các tình huống khác nhau.
Chương IV – Thông tin liên lạc bằng vô tuyến: Chương này bao gồm các yêu cầu về Hệ thống Thông tin Cứu nạn và An toàn Hàng hải Toàn cầu (GMDSS), thiết bị radar cứu hộ (SART), đèn hiệu định vị khẩn cấp (EPIRB), v.v., cho tàu hàng và tàu chở khách.
Chương V – An toàn hàng hải: Chương này đề cập đến các tàu biển có kích cỡ khác nhau, từ thuyền nhỏ đến tàu chở dầu siêu lớn (VLCC), bao gồm lập kế hoạch hành trình, dẫn đường, tín hiệu cứu nạn, v.v.
Chương VI – Vận chuyển hàng hóa: Chương này định nghĩa về việc lưu trữ và cố định các loại hàng hóa và container khác nhau, nhưng không bao gồm hàng hóa dầu và khí đốt.
Chương VII – Vận chuyển hàng nguy hiểm: Chương này định nghĩa Bộ Quy tắc Hàng hóa Nguy hiểm Quốc tế để lưu trữ và vận chuyển hàng nguy hiểm.
Chương VIII – Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân: Quy tắc an toàn cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân được nêu trong chương này.
Chương IX – Quản lý An toàn Hoạt động của Tàu: Quy tắc Quản lý An toàn Quốc tế (ISM) cho chủ tàu và nhà khai thác được mô tả rõ ràng.
Chương X – Biện pháp an toàn cho tàu cao tốc: Quy tắc an toàn cho tàu cao tốc được giải thích.
Chương XI 1 & 2 – Các biện pháp đặc biệt để tăng cường an toàn-an ninh hàng hải: Chương này tóm tắt về các khảo sát đặc biệt và nâng cao để đảm bảo hoạt động an toàn, các yêu cầu vận hành khác và quy tắc ISPS.
Chương XII – Các biện pháp an toàn bổ sung cho tàu chở hàng rời: Chương này bao gồm các yêu cầu an toàn cho tàu chở hàng rời dài trên 150 mét.
Chương XIII – Xác minh việc tuân thủ
Chương XIV – Các biện pháp an toàn cho tàu hoạt động ở vùng nước cực
Nguồn tham khảo và dịch từ: https://www.marineinsight.com/maritime-law/safety-of-life-at-sea-solas-convention-for-prevention-of-marine-pollution-marpol-a-general-overview/